* Bộ trưởng Philipp Rösler, ông là người Việt Nam và được cha mẹ Đức nhận làm con lúc 9 tháng tuổi. Vậy lúc nào ông nhận ra mình không giống những người Đức khác?

- Khi tôi bốn hay năm tuổi, ba tôi đặt tôi trước gương cùng ông ấy. Ông nói: "Hãy nhìn con, rồi nhìn ba - con với ba khác nhau. Nhưng dù cho điều gì xảy ra hay người ta nói cái gì thì ba là ba của con".

* Lúc nhỏ có bao giờ ông bị bạn bè chọc vì vẻ bề ngoài?


- Chưa bao giờ. Tôi từng mơ mình là một hoàng tử Việt Nam bị lạc. Và có đôi lúc tôi hỏi ba ở Việt Nam có hoàng tử không. Vào những năm 1980, ba tôi trả lời rằng Việt Nam đã từng có vương triều nhưng bây giờ không còn nữa.

* Với bề ngoài của mình, từ khi còn thiếu niên có bao giờ ông nghĩ mình sẽ trở thành Phó thủ tướng?

- Một thiếu niên có thể tưởng tượng sẽ trở thành phó thủ tướng? Tôi cảm thấy người Đức chấp nhận sự thật rằng tôi không giống "một người Đức bình thường". Lâu nay, điều này vẫn luôn xảy ra.

* Người Việt Nam có tự hào với Philipp Rösler?

- Những tour du lịch Việt Nam thường dừng ở văn phòng của tôi và với nhiều người Việt Nam, điều đó thật đặc biệt. Nếu một người con nuôi Đức được làm trong chính phủ Việt Nam thì bản thân người Đức cũng cảm thấy rất thích thú.

* Ba ông có nói nhiều về Việt Nam?

Thủ tướng Đức Angela Merkel và phó thủ tướng Philipp Rösler .

- Trong thời gian làm phi công cho quân lực Đức, cha tôi đã gặp nhiều người Việt Nam. Trong những năm 1970, ông thường sang Mỹ tập huấn và gặp những người Việt Nam được tập huấn ở đây. Chiến tranh Việt Nam đã ảnh hưởng nhiều đến ông, cũng như đa số những người thuộc thế hệ này. Lúc đó ông chỉ có hai lựa chọn, hoặc xuống đường biểu tình phản đối hoặc giúp đỡ một cách thiết thực nhất. Ông đã chọn cách thứ hai, nhận một đứa con nuôi Việt Nam - đó là tôi.

* Có bao giờ ông ước được giống một người Đức?


Phó thủ tướng Philipp Rösler cùng vợ và hai con gái sinh đôi.

- Không, bởi vì tôi là người Đức và luôn cảm thấy mình là người Đức. Tôi đi học trường tiểu học công giáo ở Hamburg, nơi có nhiều học sinh từ Ý và Tây Ban Nha. Sau ngày đi học đầu tiên, tôi nói với ba: "Ba, ở lớp con có nhiều học sinh nước ngoài". Và ông đã cười rất lớn.

* Là một bộ trưởng kinh tế, ông có làm việc theo hướng nới lỏng luật nhập cư vào Đức?

- Tôi chủ trương nước Đức đi theo hướng này. Nước Đức cần những người nhập cư có chất lượng. Thật nực cười khi Đức bỏ công sức, tiền bạc để đào tạo những sinh viên nước ngoài nhưng chỉ cho phép ở lại Đức một năm sau khi tốt nghiệp.

* Có bao giờ ông gặp khó khăn trong sự nghiệp chính trị vì người ta thường nghĩ dân châu Á hiền và thân thiện?


- Tại sao thân thiện lại có thể là một trở ngại?

* Tại sao phải đợi đến năm 33 tuổi ông mới lần đầu tiên trở về Việt Nam?

- Tôi đi bởi vì vợ nói với tôi: "Chúng ta rồi sẽ có con và em muốn có thể kể cho chúng nghe về đất nước nơi anh đã sinh ra".

* Cảm xúc của ông khi đó? Giống như một du khách bình thường?

- Có lẽ giống một du khách đặc biệt thích thú. Những người tôi tiếp xúc cho rằng tôi không sinh ra và lớn lên ở Việt Nam và hầu hết đều nghĩ rằng tôi là Việt kiều Mỹ về thăm quê.


* Ông có biết gì về cha mẹ ruột của mình?

- Không. Các sơ phải chăm đến hơn 3.000 trẻ. Họ đã phải tự nghĩ ra tên và dòng họ của ngần ấy đứa trẻ để điền vào các phiếu. Vì vậy tôi không biết bất cứ điều gì về cha mẹ ruột của mình.

* Ông thích nhất ở Việt Nam điều gì?

- Cảnh đẹp và thức ăn. Khi bạn ăn nhà hàng châu Á ở Đức, nó đã bị Đức hóa. Nhiều người châu Á thậm chí không đi ăn nhà hàng châu Á vì hương vị của nó không giống ở quê nhà.

* Tại sao ông lại muốn là một người Đức hơn những người Đức?

- Tôi không như vậy. Đơn cử như việc đã từ lâu tôi không có cờ Đức trong văn phòng của mình.

* Như là việc ông thích ca sĩ Đức Udo Jürgens. Ông đặt tên hai con gái là Grietje và Gesche. Ông là thành viên của Ủy ban trung ương công giáo Đức... Ông còn hơn một người Đức, ông là người Đức mẫu mực.

- Để tôi nói lại: Tôi đúng là fan của Jürgens nhưng chắc chắn không phải vì anh ta hát tiếng Đức. Và để tôi nói thêm vài bí mật - ở nhà chúng tôi không treo cờ Đức. Xe hơi riêng của tôi là một chiếc xe Pháp đơn giản là vì nó là chiếc duy nhất nó đủ chỗ để chở nôi cho hai đứa song sinh. Về tên của chúng, do vợ tôi đã đổi họ Rösler theo tôi nên cô ấy sẽ là người chọn tên cho con. Và thật ra thì cái tên Grietje nghe có vẻ Hà Lan còn Gesche nghe có vẻ frisia (một ngôn ngữ sử dụng thông dụng ở nhiều vùng tại Hà Lan và Đức) hơn.


* Bộ trưởng Philipp Rösler, cám ơn ông về cuộc phỏng vấn này.


Đ.K.L. lược dịch